RÙA VÀ THỎ

Trong câu chuyện “Rùa và Thỏ” được nghe ngày nhỏ, chú Rùa tuy chậm mà kiên định cuối cùng đã chiến thằng được chú Thỏ tài năng nhưng tính khí thất thường. Ta thường được người lớn khuyến khích noi gương chú Rùa chăm chỉ. Thế nhưng thật lòng mà nói, ai trong chúng ta thực sự muốn làm chú Rùa? Nếu được chọn hẳn tôi sẽ làm chú Thỏ tuy có đôi lúc chủ quan nhưng lại có sẵn những tố chất hơn người, nhanh nhẹn, thông minh lanh lợi. Tôi sẽ là một chú Thỏ chiến lược, sẽ không bỏ ngang giữa chừng để bị thua cuộc trong tay kẻ yếu chứ chắn hẳn không muốn làm một chú Rùa có xuất phát điểm thấp và phải nỗ lực bền bỉ, vượt qua sự dè bỉu của người đời. Câu chuyện tuy đề cao đức tính kiên trì và thành quả của sự nỗ lực, nhưng như một con dao 2 lưỡi, khiến cho hình ảnh của sự “nỗ lực” dường như gắn liền với kẻ yếu, chỉ những kẻ yếu mới phải nỗ lực, chú Thỏ có tố chất từ đầu hẳn ko cần phải nỗ lực, chú chỉ cần không chủ quan tai hại như vậy, thì phần thắng có lẽ không đến lượt chú Rùa. Ở trong rất nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống cũng vậy, tôi thường bắt gặp những hình ảnh tương tự, bạn có tài thì không phải nỗ lực nhiều, bạn nỗ lực là khi bạn đang ở thế yếu, bạn nỗ lực chứng tỏ bạn thiếu tài năng thiên bẩm.

Cre: HERSIGN.VN

Lối suy nghĩ này vô tình đã ở trong tôi một thời gian dài, phải mãi đến sau này tôi mới dần nhận ra nó. Có đôi khi tôi vô thức lựa chọn từ chối nỗ lực, tôi sợ người ta biết tôi yếu kém. Tôi thích mình giỏi sẵn, có tố chất sẵn. Ở lớp học Toán, khi thầy dạy Toán chia đôi bảng, một bên là  bài tập nâng cao, một bên là bài tập căn bản, tôi đã rất hãnh diện vì mình luôn ở trong nhóm chỉ làm bài tập của bảng nâng cao và luôn chứng minh mình không thuộc về nửa bên kia của tấm bảng. Kết quả là điểm thi đại học môn toán của tôi chỉ vỏn vẹn 6.25, một mức điểm thấp hơn rất nhiều so với sự kỳ vọng của thầy và sự tự tin của tôi. Tôi đã rất buồn, rất xấu hổ về mình. Tôi lựa chọn ở top trên, không tập trung cố gắng cho những bài trọng tâm của bài thi sắp tới, tôi chọn những dạng bài tập khó để dành được điểm 9, điểm 10, mà quên đi phải rèn luyện sự cẩn thận, sự chỉnh chu trong bài làm.

Từ khi nhận ra điều đó, tôi đã nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Đâu đó hằng ngày, bạn có từng nghe qua ai đó nói “Tôi thất bại vì tôi không để ý chỗ nọ, tôi chưa làm tốt cái này vì tôi không có nhiều thời gian thế kia” chưa? Chắc hẳn là bạn đã từng nghe qua không ít thì nhiều đúng không? Tôi cũng đã từng có lúc như vậy, lý do không đủ thời gian, không đủ nỗ lực nên mới thất bại thì vẫn dễ chịu, vẫn êm ái hơn việc phải thừa nhận “Tôi đã cố gắng hết sức và tôi đã thất bại”. Nhưng cái tư duy ấy nó tai hại vô cùng, nó đã luôn cản trở tôi nỗ lực hết mình. So với việc phải tỏ ra mình giỏi sẵn, để được người khác nhìn nhận mình vào thời điểm đó như mình muốn, thì việc thực sự biết mình là ai, mình cần cố gắng ở điểm nào, mình sẽ phát triển hơn trong tương lai ra sao, há chẳng phải quan trọng hơn sao?

Trong cuộc sống, có rất nhiều thứ mà ta không giỏi, thậm chí ta không biết, ta chưa từng gặp qua. Việc từ chối nỗ lực vì sợ người khác biết mình không giỏi sẽ cản trở ta trở nên tốt hơn mỗi ngày. Nếu ta giỏi, có lẽ ta không cần phải chứng minh. Việc của bản thân chúng ta là cần nỗ lực hơn nữa, chứ không phải là chứng tỏ mình là người tài giỏi như thế nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *